Chọn Layout Full-size, TKL hay 60%?
Anh em game thủ chúng ta nhiều khi quá tập trung vào việc tìm cho mình một dàn máy khủng. Loay hoay ngồi chọn CPU, GPU để có một chiếc máy chiến game mượt mà nhất. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Còn một yếu tố khiến trải nghiệm chơi game trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn bao giờ hết. Đó chính là việc sở hữu cho mình một chiếc bàn phím cơ.
Đối với nhiều anh em thì khái niệm phím cơ đã không còn quá xa lạ. Những tiếng lách cách sướng tai, cảm giác gõ thú vị hay led RGB sặc sỡ nhiều chế độ … Thế nhưng liệu cứ thế ra hàng mua một con phím nhiều màu sặc sỡ có thực sự mang lại trải nghiệm hiệu quả? Và liệu có những tiêu chí gì cần quan tâm đối với người mới chơi phím? Đó là những câu hỏi sẽ được mình giải đáp trong chuỗi bài viết lần này!
Tại sao phải chọn layout phím?
Layout hay bố cục phím là một yếu tố hết sức quan trọng khi chọn mua bàn phím cơ. Đây là tổ hợp, cách sắp xếp vị trí các phím giúp cho người dùng có được trải nghiệm thuận tiện nhất. Trên thị trường hiện nay có 3 loại layout phổ biến:
- Full-size
- Tenkeyless (TKL)
- 60%.
Đây là 3 loại layout thông dụng và được sản xuất bởi hầu hết các hãng gaming gear. Việc lựa chọn layout phụ thuộc rất nhiều vào mục đích sử dụng và sở thích của mỗi người. Mình sẽ đi vào cụ thể đặc điểm của từng layout như sau:
Phím Full-size
Đây là layout cơ bản mà những anh em mới chơi nên quan tâm. Ưu điểm của các bàn phím Full-size là chúng có đủ các phím để anh em thoải mái sử dụng, gán phím trong quá trình chơi game. Ngoài ra, việc thiết kế theo layout cổ điển sẽ khiến mọi người dễ dàng làm quen hơn. Không phải quan tâm quá nhiều tới các phím chức năng phụ. Đây là điểm mà các bàn phím rút gọn không có được. Bên cạnh mục đích chơi game, bàn phím full-size còn có thể đảm đương thêm tác vụ văn phòng, làm việc. Cụm phím số phụ cũng là một điểm cộng cho loại layout này vì sự tiện dụng mà nó mang lại.
Tuy nhiên điểm trừ khá lớn của phím full-size là sự cồng kềnh. Nhiều khi muốn mang em phím tâm huyết đi cà phê hay đơn giản là du lịch mà khá khó khăn. Phím full-size thường khá dài và trọng lượng cũng không nhẹ. Chính vì thế mà anh em có nhu cầu di chuyển nhiều nên cân nhắc về vấn đề này.
Phím TKL (Tenkeyless)
Layout TKL còn được biết tới với tên gọi khác là phím 80%. Đúng như tên gọi của mình, phím TKL được lược bỏ đi cụm phím số phụ đồng thời căn chỉnh lại vị trí các phím để đạt được sự tinh gọn. Việc lược bỏ này không phải là vấn đề quá lớn vì chúng ta vẫn có thể sử dụng hàng phím số chính trong các tác vụ làm việc của mình. Theo mình thấy anh em game thủ hầu như rất ít có nhu cầu sử dụng cụm phím phụ trong quá trình thao tác. Chính vì vậy có hay không có phím phụ cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới trải nghiệm của mọi người.
Thiết kế của các phím có layout TKL nhờ sự lược bỏ cũng trở nên gọn gàng hơn rất nhiều. Trọng lượng từ đó cũng được giảm đi đáng kể. Việc nhét vào balo, túi xách cũng trở nên dễ dàng hơn phím full-size rất nhiều.
Phím 60%
Layout 60% là một dạng layout mới và trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Nếu như layout TKL bị cắt giảm đi vài phím phụ, thì layout 60% bị lược bỏ đi gần hết. Những phím còn lại trên layout này là hàng phím chính, hàng phím số và một số phím chức năng. Không có hàng phím F, không có các phím mũi tên và cũng mất luôn cụm phím số phụ. Tuy nhiên các tính năng thì vẫn đầy đủ, việc bạn cần làm là sử dụng tổ hợp phím Fn + WASD hoặc Fn + JIKL.
Bởi sự tối giản tới mức tối đa như vậy mà các phím layout 60% thường không phù hợp cho anh em mới chơi phím. Lý do là bởi anh em sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để mày mò, ghi nhớ để sử dụng được chiếc bàn phím của mình. Điều duy nhất mình thích ở layout này là sự nhỏ gọn và cơ động của em nó mà thôi.
Một số layout khác
Ngoài 3 layout kể trên, còn ti tỉ các layout phím được thiết kế tuỳ vào những mục đích cụ thể khác nhau.
Chúng ta có layout 65% là một nâng cấp từ layout 60% dành cho game thủ. Ở Layout 65%, cụm phím điều hướng và vài phím chức năng được quay trở lại. Đây cũng là một layout mà khá nhiều game thủ quan tâm và ưa chuộng.
Hay như layout 40%, nơi mà chúng ta chỉ có độc hàng phím chính và vài phím chức năng. Kích cỡ của em nó cực cực nhỏ, tuy nhiên nhỏ thì phải có võ. Để sử dụng thuần thục layout này thì người dùng cần phải ghi nhớ và kết hợp tới tận 2 phím Fn một lúc. Khá là đau đầu, tuy nhiên khi đã sử dụng thuần thục thì layout nào vào tay cũng là chuyện nhỏ.
Nếu còn bất cứu thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ với bọn mình để được giải đáp nhé!