Cẩm nang chọn phím cơ (Phần 3) dành cho anh em game thủ. Mua bàn phím build sẵn hay tự custom là hợp lý hơn?
Anh em game thủ chúng ta nhiều khi quá tập trung vào việc tìm cho mình một dàn máy khủng. Loay hoay ngồi chọn CPU, GPU để có một chiếc máy chiến game mượt mà nhất. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Còn một yếu tố khiến trải nghiệm chơi game trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn bao giờ hết. Đó chính là việc sở hữu cho mình một chiếc bàn phím cơ.
Đối với nhiều anh em thì khái niệm phím cơ đã không còn quá xa lạ. Những tiếng lách cách sướng tai, cảm giác gõ thú vị hay led RGB sặc sỡ nhiều chế độ. Thế nhưng liệu cứ ra hàng mua một con phím nhiều màu sặc sỡ có thực sự mang lại trải nghiệm hiệu quả? Và liệu có những tiêu chí gì cần quan tâm đối với người mới chơi phím? Đó là những câu hỏi sẽ được mình giải đáp trong chuỗi bài viết lần này!
Đọc Thêm:
- Cẩm Nang Chọn Phím Cơ (Phần 1) – Chọn Layout Full-size, TKL hay 60%?
- Cẩm Nang Chọn Phím Cơ (Phần 2) – Chọn Switch một cách thông thái
- Tết này mua gì? Bàn Phím Logitech G813 Review
Sự tiện lợi của bàn phím Build sẵn.
Sau 2 phần trước, anh em đã chọn được cho mình loại layout và switch yêu thích. Bước cuối cùng chỉ còn là mua bàn phím nào mà thôi. Thị trường bàn phím cơ hiện tại cũng rất đa dạng. Các hãng đang tiến hành các cuộc đánh chiếm trên nhiều phân khúc. Chúng ta có các đại diện tên tuổi như Logitech, Razer, Corsair… Đây là các hãng lớn với đa dạng sản phẩm. Ngoài ra, còn một số hãng nhỏ như Edra (Việt Nam), Akko hay Keychron. Bản thân mình trước đây cũng bị ngợp bởi có quá nhiều sự lựa chọn. Vậy thì làm thế nào để chọn cho bản thân một chiếc bàn phím phù hợp?
Mình sẽ chia mọi người ra làm hai nhóm để trả lời cho câu hỏi này!
1, Quan tâm tới trải nghiệm, chất lượng hơn hình thức
Đối với các bạn thuộc nhóm thứ nhất. Mình xin thẳng thắn là hãy tránh xa các hãng Gear lớn. Nói như vậy không có nghĩa là chất lượng bàn phím của các hãng này tệ. Tuy nhiên bạn sẽ cần phải bỏ tiền ra mua thương hiệu, tên tuổi của các hãng này nữa. Các sản phẩm bàn phím của các hãng lớn thường khá đắt. Ngoài ra, khả năng tuỳ biến theo sở thích của chúng cũng thấp. Vậy nên, mình nghĩ nên mua các sản phẩm tới từ Edra, Akko hoặc Keychrone. Mặc dù chúng không quá xịn xò, không có thiết kế quá hầm hố. Nhưng đổi lại trải nghiệm gõ, cảm giác khi sử dụng là hoàn toàn hợp lý.
2, Muốn một hình thức và hệ sinh thái tiện lợi
Qua tới nhóm thứ hai, các bạn là fanboy của các hãng có tên tuổi. Có thể đang sử dụng các sản phẩm khác như chuột, tai nghe của các hãng này. Thì lựa chọn luôn một chiếc bàn phím của hãng là lựa chọn hợp lý. Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất, khi sử dụng bàn phím tới từ các hãng lớn, số tiền bỏ ra là không hề nhỏ. Nhưng bạn sẽ có được một chiếc bàn phím chất lượng, một chế độ bảo hành và phục vụ cực tốt. Cuối cùng là một sản phẩm mà ai nhìn vào cũng phải nể vì độ chịu chơi và giá trị mà nó mang lại.
Thứ hai, việc sử dụng đồng bộ gaming gear của một hãng sẽ giúp bạn có những trải nghiệm thú vị hơn. Hiện nay, các hãng gaming gear lớn đều chú trọng tới việc phát triển hệ sinh thái của riêng mình. Có rất nhiều tính năng thú vị được ra mắt và chỉ hỗ trợ các sản phẩm của hãng. Những tính năng này sẽ được quản lý và tuỳ chỉnh bởi một ứng dụng thứ 3. Lấy đơn cử như Lightsync của Logitech hay Razer Chroma của Razer. Việc đồng bộ LED RGB giữa các thiết bị với nhau giúp tăng tính thẩm mỹ của góc giải trí hơn rất nhiều. Ngoài ra, còn vô số các tính năng cũng như sự tiện lợi khác mà chỉ có thể có ở các sản phẩm của các hãng Gaming Gear lớn mà thôi.
Bàn phím Custom và thú chơi gây nghiện
Custom phím đã trở thành một thú chơi gây nghiện trong những năm trở lại đây. Đó cũng là điều khá dễ hiểu, việc tự tay build một chiếc bàn phím độc đáo, có dấu ấn cá nhân là điều mà ai cũng muốn. Thêm nữa, việc các Keycap Maker cho ra lò hàng loạt các mẫu Keycap bắt mắt lại càng khiến máu ăn chơi của anh em Custom phím nổi lên. Nếu như các bàn phím build sẵn đã được các hãng tinh chỉnh, lập trình từ nơi sản xuất. Thì với phím Custom, người dùng được quyền chọn từ nguyên vật liệu, switch cho tới layout rồi đem đi gia công.
Nghe thì có vẻ thú vị, nhưng để có thể build đc loại phím này, chúng ta cần có một mức độ kiến thức cụ thể về bàn phím cơ. Cũng giống như build Case, việc lập trình bảng mạch, lắp đặt và gia cố switch là những thứ không phải ai cũng làm được. Ngoài ra giá thành của những chiếc bàn phím Custom cũng khá đắt đỏ. Chỉ riêng bộ Keycap thôi cũng có giá lên tới vài triệu đồng. Chính vì vậy mà khi tư vấn, mình không khuyến khích anh em mới chơi dùng các loại phím Custom. Nếu có hứng thú với Keycap, thì nên bắt đầu bằng những chiếc bàn phím Keychron trước, rồi sau đó nâng cấp dần lên.