Các loại switch của Logitech và cảm nhận thực tế
Fanboy Logitech muốn mua bàn phím thì chọn như thế nào?
Đây chính là một trong những câu hỏi mà bọn mình nhận được khá nhiều trong thời gian qua. Lý do bởi Logitech sở hữu nhiều và đa dạng các loại sản phẩm ở các phân khúc khác nhau. Mặt trái của việc này chính là sẽ khiến người dùng bị hoang mang khi chọn mua sản phẩm. Chính vì vậy mà ở bài viết này, mình sẽ điểm mặt, review và chỉ ra sự khác biệt trong các loại switch của logitech. Mong là bài viết sẽ giúp mọi người có thêm kiến thức, tự tin hơn trong việc lựa chọn bàn phím có phù hợp với nhu cầu của mình.
1, Switch Romer-G
Cấu trúc:
Bắt đầu với loại switch cơ bản và có giá thành rẻ nhất trong phân khúc, Romer-G. Đây là loại switch đặc trưng do chính Logitech phát triển để trang bị lên các sản phẩm của mình. Cũng chính vì vậy nên cấu trúc của Romer-G cũng khá đặc biệt. Thay vì sử dụng chân switch hình dấu cộng thông thường, Logitech chia nhỏ chúng ra bốn cạnh để giúp phân bổ lực tốt hơn. Lý do khiến hãng quyết định phát triển theo cấu trúc này là muốn lực nhấn của game thủ được phân bổ đều lên phím, tạo ra sự chính xác và cảm giác tốt nhất cho người chơi.
Ưu điểm:
Như mình đã nói bên trên, cấu trúc đặc biệt của Romer-G sẽ mang tới cho người dùng một cảm giác bấm cực tốt. Không cần dùng quá nhiều sức lực mà vẫn đạt được sự chính xác trong mỗi pha combat nghẹt thở. Ngoài ra, các bàn phím sử dụng switch Romer-G sẽ không quá ồn ào. Vẫn là âm thanh đặc trưng của phím cơ nhưng êm và dễ chịu hơn rất nhiều. Qua quá trình sử dụng thực tế, kể cả có dùng vào ban đêm, đem tới công ty hay kể cả vác ra quán cà phê, chưa ai nhìn mình bằng ánh mắt hình viên đạn cả.
Một ưu điểm nữa mà chỉ những chiếc bàn phím dùng Romer-G có được là hiện tượng loá led gần như không có. Người dùng hoàn toàn có thể tập trung vào bàn phím, các ký tự hiện lên sắc nét, led phân bổ đều và gọn gàng. Tất cả tạo nên sự nhẹ nhàng, chuyên nghiệp và không quá màu mè.
Nhược điểm:
Nếu chọn mua Romer-G thì anh em nên lưu ý về độ mỏng manh của em nó. Vì chân switch được chia ra làm 4 nên dường như độ dày mà Logitech thiết kế là không đủ chắc chắn. Một số anh em đã phản hồi lại cho mình hiện tượng gãy chân, bay phím sau một thời gian sử dụng. Chính vì vậy mà khi dùng, anh em không nên tháo keycap ra để vệ sinh quá thường xuyên, khi tháo cũng nên nhẹ nhàng, tác động lực vừa phải. Cuối cùng là tuyệt đối không đưa Bomman để tránh các hậu quả đáng tiếc.
Phân loại:
Romer-G hiện nay được Logitech chia thành hai loại dựa theo cảm nhận, âm thanh phản hồi là Linear và Tactile. Ngoài ra, các sản phẩm sử dụng Romer-G đang được phân phối chính hãng là G413 và G613. Đây là hai chiếc bàn phím với mức giá khá tốt. Đều rất phù hợp với các nhu cầu chơi game cơ bản cho anh em mới tìm hiểu về gear.
2, Switch GX (Kailh)
Cấu trúc:
Switch GX hay còn được biết tới với cái tên Kailh. Đây là một sự nâng cấp, thay đổi cực kỳ đáng giá từ Logitech đối với các dòng bàn phím tầm trung. Nếu như Romer-G là quá mỏng manh và khó có thể đáp ứng cường độ quẩy hay sự tức giận của anh em thì GX sẽ làm được điều này. Khi quyết định quay trở lại với cấu tạo chân dấu cộng thông thường, Logitech thực sự đã cho thấy hãng lắng nghe game phản hồi game thủ ra sao.
Ưu điểm:
Cũng như các loại bàn phím sử dụng switch Kailh thông thường, độ bền, phản hồi và âm thanh là ba ưu điểm lớn nhất mà chúng ta có thể cảm nhận được. Switch GX có hành trình khá sâu, tạo ra độ bật nảy lớn, từ đó khiến cảm giác gõ tốt và phê hơn rất nhiều. Âm thanh mà GX mang lại chắc chắn, đanh và khá vui tai. Ngoài ra, phần chân switch được làm bằng nhựa trong suốt nên tạo được hiệu ứng phát sáng khá bắt mắt.
Nhược điểm:
Ở các đánh giá cơ bản về phản hồi, độ trễ hay độ bền thì switch GX không có quá nhiều yếu điểm. Tuy nhiên cá nhân mình thấy mọi người nên lưu ý về tiếng ồn của em nó. Nếu làm việc ở nơi đông người hoặc đơn giản là muốn một không gian yên tĩnh thì nên tránh GX Blue sẽ hợp lý hơn.
Phân loại:
Switch GX được chia thành 3 loại là GX Blue – GX Brown – GX Red. Các phiên bản GX Brown – Red có giá đắt hơn Blue và cũng sẽ mang lại những trải nghiệm tốt hơn Blue. Anh em có thể trải nghiệm Switch GX trên G512 và G Pro X. Đặc biệt G Pro X có hot swap nên có thể nâng cấp switch sang loại xịn hơn nếu muốn.
3, Switch GL Lowprofile
Cấu trúc:
Loại switch mới và ở phân khúc cao nhất của Logitech hiện nay là GL Lowprofile. Với cấu trúc cơ bản của Cherry switch cùng profile thấp, sự gọn gàng, nhẹ nhàng và tinh tế là những gì mà Logitech kỳ vọng ở dòng sản phẩm này.
Ưu điểm:
Ưu điểm đầu tiên và rõ rệt nhất khi sử dụng GL Lowprofile đó chính là thẩm mỹ. Những chiếc bàn phím không còn to và cồng kềnh như trước mà trở nên thọn gọn, mỏng nhẹ hơn rất nhiều. Vị trí đặt tay, các thao tác gõ và quá trình sử dụng phím từ đó cũng trở nên thoải mái và tự nhiên hơn. Mặc dù hành trình phím ngắn hơn nhưng độ nhạy, chính xác và phản hồi mà GL Lowprofile mang lại là cực kỳ tuyệt vời.
Nhược điểm:
Nhược điểm lớn nhất của GL Lowprofile và cũng là nhược điểm không nên có ở các loại switch nói chung chính là giá thành. Vì được xếp vào phân khúc cao cấp nên mức giá để sở hữu một chiếc bàn phím sở hữu GL Lowprofile là khá cao ở thời điểm hiện tại
Phân loại:
GL Lowprofile được chia thành ba phiên bản là Clicky – Linear và Tactile. Hiện nay, các sản phẩm sử dụng GL Lowprofile đang được phân phối chính hãng là G813 và G913 TKL
Bên trên là bài viết review chi tiết về các loại switch hiện có của Logitech trên các mẫu bàn phím của mình. Nếu anh em còn bất cứ thắc mắc gì, đừng ngần ngại liên hệ với bọn mình để được hỗ trợ tốt hơn nhé!